TIÊU CHẢY KÉO DÀI Ở TRẺ VÀ CÁCH XỬ LÝ
Trẻ tiêu chảy kéo dài không nặng không cần nhập viện nhưng vẫn cần được bù dịch và hướng dẫn dinh dưỡng tại nhà. Do đó những thông tin cần thiết về trị tiêu chảy cho trẻ bằng những biện pháp thông thường sử dụng được tại nhà là vô cùng cần thiết để giải quyết vấn đề cho trẻ.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài
Trẻ được coi là tiêu chảy kéo dài khi tình trạng kéo dài từ 14 ngày trở lên nhưng không có dấu hiệu của mất nước hay mất nước nặng. Các bậc phụ huynh cần thực hiện ngay những biện pháp sau:
Phòng ngừa mất nước
Cung cấp đủ dịch theo hướng dẫn của bác sĩ hiệu quả với hầu hết các trẻ tiêu chảy kéo dài, trừ trường hợp rối loạn hấp thu đường. Trong trường hợp này, khi uống ORS sẽ làm tăng số lần đi cầu, mất nước nặng hơn và tiêu lượng lớn phân chứa đường chưa được hấp thu. Những trẻ này cần nhập viện để bù dịch bằng đường truyền cho đến khi có thể uống ORS mà không làm nặng thêm bệnh.
Chẩn đoán và điều trị các nhiễm trùng kèm theo
Không tự ý sử dụng kháng sinh cho bé vì nó không hiệu quả và sau này bé dễ bị kháng kháng sinh. Tuy nhiên, ở những trẻ tiêu chảy nhiễm trùng hay có ổ nhiễm trùng khác thì vẫn phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt, tiêu chảy sẽ thuyên giảm. Ổ nhiễm trùng khác ngoài đường tiêu hóa: thăm khám toàn diện bệnh nhi tiêu chảy kéo dài để phát hiện và điều trị nhiễm trùng khác đi kèm: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiểu, viêm tai giữa, viêm hầu họng. Nhiễm trùng tiêu hóa: điều trị tiêu chảy kéo dài có tiêu đàm máu với kháng sinh đường uống để diệt vi khuẩn gây bệnh.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Vấn đề dinh dưỡng là cần thiết cho tất cả bệnh nhi tiêu chảy kéo dài. Những trẻ này khó tiêu hóa sữa động vật hơn sữa mẹ. Các mẹ nên giảm bớt lượng sữa động vật trong khẩu phần của bé. Bên cạnh đó, tiếp tục cho bé bú sữa mẹ và bổ sung thêm các thức ăn khác, trong đó:
Nếu còn bú mẹ, tăng cường cữ bú, lượng bú cả ngày và đêm
Nếu bé bú sữa công thức nên thay thế sữa khác, ví dụ như sữa lên men (yaourt), hay các sữa khác có lượng lactose ít để trẻ dễ hấp thu.
Nếu không thể thay thế sữa động vật thì giảm xuống 50 ml/kg/ngày, có thể pha sữa vào bột ngũ cốc của trẻ nhưng không hòa tan chúng.
Dùng thêm các thức ăn khác phù hợp theo tuổi của trẻ để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Trẻ > 4 tháng chỉ uống sữa công thức nên bắt đầu cho ăn dặm.
Tăng số cữ ăn, ít nhất 6 cữ/ngày. Bổ sung thêm kẽm và các khoáng chất khác cũng là điều vô cùng cần thiết để tình trạng tiêu chảy nhanh chấm dứt.
Một số lưu ý dành cho mẹ khi bé bị tiêu chảy kéo dài
Mẹ cần cho trẻ tái khám sau 5 ngày hoặc bất cứ khi nào bệnh nặng hơn.
Đánh giá lại toàn diện trẻ nếu trẻ không tăng cân hay tiêu chảy không giảm để xác định nguyên nhân, như mất nước hay nhiễm trùng để điều trị sớm.
Những trẻ tăng cân và giảm tiêu lỏng (3 lần/ngày) có thể trở về chế độ ăn bình thường của trẻ.
Khi bé con bị tiêu chảy kéo dài sẽ dễ mệt mỏi và thiếu hụt dinh dưỡng, ngoài những biện pháp trên, bố mẹ hãy tạo không khí thoải mái để con không lo sợ, hoang mang trong quá trình điều trị tại nhà nhé!