BÍ QUYẾT CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH BỊ VÀNG DA

Vàng da là hiện tượng phổ biến thường gặp ở hầu hết trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị vàng da, mẹ có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà, tuy nhiên nếu chăm sóc không đúng cách sẽ khiến tình trạng vàng da ở trẻ trở nên nặng hơn.

1. Vì sao trẻ sơ sinh bị vàng da?

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, trẻ sinh non thường có tỷ lệ mắc vàng da cao hơn 25 – 30% so với trẻ sinh đủ tháng. 

Vàng da là hiện tượng da của trẻ xuất hiện màu vàng nhẹ, có thể quan sát được bằng mắt thường. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vàng da sinh lý ở trẻ là do sự tích tụ của các chất lỏng có màu vàng xuất hiện khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng ra cơ thể, có tên khoa học là Bilirubin. 

Vàng da sinh lý thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh nhiều hơn, bởi trẻ sơ sinh có lượng tế bào hồng cầu cao, trong quá trình phát triển các tế bào hồng cầu liên tục bị phá vỡ để thay đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan đào thải như gan, mật của trẻ sơ sinh vẫn chưa đủ trưởng thành để đào thải hết lượng Bilirubin ra khỏi máu. Khi trẻ lớn dần khoảng 2-4 tuần tuổi, cơ thể trẻ sẽ phát triển hơn, từ đó có thể lọc bỏ chất Bilirubin ra khỏi cơ thể và chấm dứt tình trạng vàng da, đối với trường hợp vàng da sinh lý. Tuy nhiên, đối với trường hợp vàng da do bệnh lý thì các bậc phụ huynh cần chú ý để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé kỹ hơn. 

Vì sao trẻ sơ sinh bị vàng da | Special Kid

Tăng Bilirubin là nguyên nhân chính gây vàng da ở trẻ sơ sinh

2. Các hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ có hai loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vậy làm sao để nhận biết được hai loại vàng da này có gì khác nhau và cách chăm sóc, điều trị cho trẻ như thế nào? Cùng tìm hiểu qua thông tin sau:

2. 1  Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là hiện tượng bình thường, xuất hiện sau 3-5 ngày trẻ sinh ra và những trẻ sinh non (thiếu tháng), trẻ có chế độ dinh dưỡng kém trong thai kỳ thường có tỉ lệ vàng da cao hơn những trẻ đủ cân, đủ tháng. 

Mẹ có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Vàng da thường xuất hiện ở vùng: mặt, cổ, ngực, vùng bụng trên rốn 
  • Có thể xuất hiện sớm từ 48h sau sinh 
  • Khi bị vàng da sinh lý, trẻ không có biểu hiện bất thường đi kèm 
  • Nước tiểu của trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý có màu sẫm 
  • Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý cách chăm sóc để không bị chuyển biến thành vàng da bệnh lý. 

2.2 Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh 

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh được xác định khi các điểm vàng da lan rộng và đi kèm với các biểu hiện bệnh lý khác. 

Mẹ nên chú ý đến một số dấu hiệu bất thường khi trẻ bị vàng da bệnh lý như sau: 

  • Vùng da bị vàng lan rộng ra toàn thân, mắt, có màu vàng đậm 
  • Vàng da bệnh lý xuất hiện sớm 24h sau sinh 
  • Tình trạng vàng da không giảm sau 1 tuần 
  • Trẻ bị vàng da bệnh lý có đi kèm các triệu chứng: bú kém hoặc bỏ bú, sốt, quấy khóc, thở nhanh…
  • Vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi. 

Khi trẻ có dấu hiệu vàng da bệnh lý mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc ảnh hưởng đến sức khoẻ và tương lai của trẻ. 

3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị vàng da

Tuỳ vào tình trạng và dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh, sẽ có những cách chăm sóc và điều trị khác nhau. 

3.1. Chăm sóc trẻ sơ sinh vàng da tại nhà 

Như đã nói ở phần trên, đối với vàng da sinh lý, trẻ có thể tự khỏi nếu mẹ có chế độ chăm sóc khoa học như: 

  • Tăng cữ bú cho trẻ (Cho trẻ bú mẹ nhiều hoặc tăng bữa sữa công thức cho trẻ) nếu trẻ bị vàng da sinh lý. Bởi chất Bilirubin được đào thải chủ yếu qua nước thải và phân nên khi bú nhiều, trẻ sẽ tiểu nhiều hơn giúp thải chất Bilirubin ra khỏi cơ thể nhiều hơn. 
  • Cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Với nhiều trẻ sơ sinh, cha mẹ lo sợ con còn non yếu nên chỉ chăm sóc trong phòng kín gió, tuy nhiên nếu ở trong phòng kín quá lâu không được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ khiến tình trạng vàng da sinh lý của trẻ trở nên nặng hơn. Vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý nên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng, ánh nắng tự nhiên giúp giảm vàng da và hấp thu vitamin D cho trẻ. Mẹ nên lưu ý thời gian cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng: Buổi sáng từ 7h - 9h; Buổi chiều từ 16h - 17h để tránh tia cực tím từ ánh nắng gây hại cho da của trẻ. 
  • Liên tục theo dõi dấu hiệu vàng da hàng ngày cho trẻ để nắm bắt tình hình, tránh trường hợp chuyển biến xấu mà không biết. 
  • Vệ sinh và giữ ấm cơ thể cho trẻ ngay cả khi trẻ bị vàng da sinh lý. Nhiều mẹ có quan điểm thấy con vàng da sẽ không vệ sinh cơ thể cho con sợ con bị ảnh hưởng sức khoẻ. Đó là quan điểm hết sức sai lầm vì nếu không vệ sinh cơ thể cho trẻ sơ sinh sạch sẽ thì dễ gây ra các bệnh liên quan đến da cho trẻ. 

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị vàng da | Special Kid

Trẻ sơ sinh vàng da sinh lý có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà

3.2  Điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh

Khi trẻ bị vàng da bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Vàng da nhân: là khi chức năng gan của trẻ không thể đào thải bilirubin và lượng bilirubin vượt quá mức cho phép có thể ngấm vào não gây ra hiện tượng vàng da nhân và gây tổn thương cho não, khó có thể phục hồi lại được. 
  • Bại não cấp tính: Khi trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu ngủ li bì, quấy khóc, sốt cao rất dễ gặp phải biến chứng bại não cấp tính do bilirubin đi vào trong não và gây biến chứng ảnh hưởng đến não bộ. 

Đối với những trẻ vàng da bệnh lý cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế, bệnh viện. Bác sĩ cần xét nghiệm máu để biết rõ được mức độ bilirubin trong máu, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ như: 

  • Chiếu đèn: Chắc hẳn nhiều mẹ đã biết đến cụ từ “chiếu đèn vàng da”. Đây là biện pháp làm giảm bilirubin, ánh sáng của đèn giúp làm tan các bilirubin dưới da. Thời gian chiếu đèn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể mức độ vàng da của trẻ. Mẹ nên lưu ý chiếu đèn chỉ nên thực hiện tại bệnh viện và có sự chỉ định của bác sĩ, loại đèn dùng chiếu vàng da cho trẻ là đèn chuyên dụng không phải đèn thắp sáng bình thường. 
  • Bọc sợi quang: Ngoài phương pháp chiếu đèn, hiện nay các bác sĩ còn điều trị cho trẻ vàng da bằng phương pháp sợi quang, được gọi là “điều trị sợi quang”. Trẻ được cuốn (bọc) trong chăn có chứa sợi quang học đặc biệt, giúp toả ánh sáng trực tiếp lên da trẻ. Phương pháp này trẻ có thể không cần tách mẹ, mẹ vẫn cho bé bú bình thường. 
  • Lọc máu: Với trường hợp trẻ bị vàng da nghiêm trọng bác sĩ sẽ thực hiện việc truyền máu cho trẻ. Việc này giúp thay thế tế bào máu bị tổn thương bằng các tế bào hồng cầu mới khoẻ hơn và giúp giảm nồng độ bilirubin.

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ cần đặc biệt chú ý đến dấu hiệu vàng da để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Mọi thắc mắc về vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh hoặc cần tư vấn về sức khoẻ của trẻ, mẹ liên hệ hotline 0944 925 915 để được giải đáp và tư vấn miễn phí nhanh nhất. 

Xem thêm thông tin tại:

Fanpage:  https://www.facebook.com/specialkid.vn

Youtube:  https://www.youtube.com/@specialkidvietnam

Nguồn: Tổng hợp

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi