Viêm họng cấp ở trẻ và thông tin mẹ cần biết

Viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng. Nói đến viêm họng chủ yếu là nói đến viêm ở vùng họng miệng.

Viêm họng cấp tính tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amidan (A) khẩu cái, một số ít trường hợp kết hợp với viêm amidan đáy lưỡi. Do đó, hiện nay người ta gọi chung là viêm họng - viêm amidan cấp. 

Viêm họng là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang v.v... hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi... 

Tác nhân gây viêm họng bao gồm: chủ yếu là virus (chiếm 60-80%), hoặc vi khuẩn (20-40%). Sự thay đổi thời tiết đặc biệt là thời điểm mùa lạnh là điều kiện nhạy cảm giúp cho vi khuẩn ngày càng phát triển. Quá trình viêm họng đỏ cấp bắt đầu bằng sự nhiễm virus, sau đó độc tố của virus ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu của amidan và tác động đến hệ thống miễn dịch của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu và đặc biệt nguy hiểm là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Viêm họng cấp dễ dàng lây lan qua giao tiếp từ các giọt bắn nước bọt hay nước mũi. 

Biểu hiện khi trẻ bị viêm họng cấp mẹ cần biết

Dấu hiệu khi trẻ viêm họng cấp | Special Kid

Sau khi nhiễm bệnh, cơ thể trẻ sẽ bắt đầu có các phản ứng đáp ứng với bệnh, mẹ cần phát hiện để đưa bé đến các cơ sở y tế thăm khám kịp thời.

  • Viêm họng cấp thường xảy ra đột ngột với triệu chứng sốt vừa 38 - 39°C hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn.
  • Trẻ bị đau họng nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng.
  • Trẻ có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy. 
  • Trẻ bị viêm họng cấp thường được chỉ định dùng kháng sinh giảm đau, hạ sốt, xúc hoặc khí dung họng, bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Trẻ bị viêm họng cấp nếu do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi cần được điều trị bằng kháng sinh một cách có hệ thống để tránh các biến chứng. Một số biến chứng có thể xuất hiện như: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, viêm tấy hoặc áp xe các khoảng bên họng, áp xe thành sau họng ở trẻ nhỏ 1-2 tuổi, viêm mũi viêm xoang cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp,.

Phòng bệnh viêm họng cấp cho trẻ bằng cách nào?

Phòng viêm họng cấp cho trẻ | Special Kid

Dù bệnh không quá nguy hiểm tuy nhiên sẽ đem lại nhiều khó chịu cho trẻ khiến trẻ mệt mỏi, ốm, chán ăn, gầy còi và bệnh cũng rất dễ tái lại, bé có thể bị viêm họng cấp 2-3 lần hoặc nhiều hơn nếu không được điều trị dứt điểm và thực hiện các biện pháp phòng tránh đầy đủ. Mẹ cần giúp bé phòng tránh bệnh thông qua các cách sau:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm… (nếu có tiếp xúc cần đeo khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc,..)
  • Đa dạng thực đơn, bổ sung thường xuyên các dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng cho trẻ
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, hạn chế tối đa các tác nhân có thể gây cho trẻ tình trạng viêm họng cũng như các bệnh đường hô hấp, nhiễm khuẩn khác.
  • Tạo thói quen vệ sinh răng miệng và bàn tay cho bé. 
  • Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch hẹn, khuyến cáo của các trung tâm y tế.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin tổng quan về bệnh viêm họng cấp trên trẻ em. Hy vọng các thông tin trên hữu ích cho mẹ trong quá trình chăm sóc sức khoẻ cho bé và cả gia đình.

← Bài trước Bài sau →
Bài viết liên quan

Gửi thắc mắc cho chúng tôi