Thiếu máu ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Trẻ bị thiếu máu rất khó nhận biết vì bệnh không gây ra một triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu con bạn có biểu hiện như: kém hoạt bát, mệt mỏi hay quấy khóc, dễ cáu kỉnh và làn da xanh… thì rất có thể bé đang bị thiếu máu đấy.
1. Định nghĩa:
Thiếu máu là tình trạng giảm nồng độ huyết sắc tố trong một đơn vị thể tích máu gây nên tình trạng thiếu oxy.
Theo WHO: Thiếu máu khi Hb giảm:
– Trẻ 6 tháng – 6 tuổi: Hb < 110 g/L.
– Trẻ 6 tuổi – 14 tuổi: Hb < 120 g/L.
2. Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ nhỏ
– Sự bất thường trong huyết cầu tố: Cấu trúc và chức năng của tế bào hồng cầu phụ thuộc vào chất lượng và số lượng huyết cầu có trong cơ thể. Một số bệnh di truyền có thể gây ra sự bất thường trong huyết cầu tố. Chính điều này sẽ làm cho hồng cầu giảm . Khi tủy xương không thể bắt kịp với các tế bào chết gây nên tình trạng thiếu máu.
– Thiếu dinh dưỡng thích hợp: Để tạo hồng cầu cơ thể của bé cần đủ lượng sắt, B12 và vitamin. Khi cơ thể bé thiếu sắt và vitamin dẫn tới tình trạng sản xuất không đủ hồng cầu trong cơ thể nên dẫn đến thiếu máu. Điều này thường xảy ra ở những trẻ trên 1 tuổi và trẻ sơ sinh thiếu tháng.
– Biến dạng trong tủy xương: Tủy xương đóng vài trò quan trọng trong việc sản xuất hồng cầu. Nếu bị bệnh ung thư bạch cầu hay ung thư tủy xương sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong sản xuất hồng cầu.
3. Dấu hiệu của thiếu máu ở trẻ
Thông thường trẻ bị thiếu sắt không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào do lượng sắt dự trữ trong cơ thể sụt giảm chậm. Khi bệnh đã chuyển sang thiếu máu, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu dưới đây:
– Trẻ trở nên suy yếu, kém hoạt bát, mệt mỏi hay quấy khóc, dễ cáu kỉnh.
– Vẻ ngoài trẻ cũng thay đổi: nước da xanh và niêm mạc nhợt nhạt.
– Ngoài ra trẻ còn trở nên biếng ăn, bị chóng mặt hay cảm thấy có đốm sáng trước mặt.
– Nhịp tim nhanh cũng là một triệu chứng của thiếu máu, bởi vì thiếu máu là thiếu hồng cầu chuyên chở oxy, gây ra thiếu oxy đến các cơ quan. Do đó, cơ thể bù lại bằng cách tăng nhịp tim lên để đẩy máu đi với tốc độ nhanh hơn, hay được hiểu như là tăng tốc độ của “xe” chuyên chở oxy lên để chở đủ oxy giao cho mô.
4. Hậu quả của thiếu máu:
– Thiếu máu do thiết sắt nếu nặng sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất và khả năng vận động (chậm biết ngồi, đứng, đi), tóc thưa dễ gãy, dễ rụng, móng tay, móng chân biến dạng, gan lách to…
– Trẻ còn bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nhưng quan trọng nhất là làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo, kết quả học tập kém.
5. Điều trị thiếu máu cho trẻ
Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ở trẻ em, nguyên nhân thiếu máu thường gặp nhất là do thiếu sắt trong chế độ ăn. Vì vậy, cần cho trẻ chế độ ăn giàu sắt như: thịt, trứng, các loại đậu, rau xanh.
Một số trẻ cần phải bổ sung thuốc sắt để giúp cơ thể tạo máu nhiều hơn. Một số trường hợp khác, bác sĩ nhận thấy có những nguyên nhân đặc biệt và cần thiết phải làm xét nghiệm kiểm tra trước khi điều trị. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, trẻ thiếu máu nặng cần phải được truyền máu.
Trẻ bị thiếu máu có thể dễ dàng lấy lại sức khỏe nếu điều trị đúng. Khi hồng cầu được tạo ra nhiều, oxy sẽ chuyển đến mô đầy đủ, cơ thể sẽ khỏe mạnh trở lại.