HƯỚNG DẪN CÁCH CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SẶC SỮA

Sặc sữa ở trẻ sơ sinh vô cùng nguy hiểm nếu mẹ không biết cách xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để có thể phòng ngừa và xử lý khi trẻ sặc sữa mẹ nên tìm hiểu và trang bị kiến thức là điều vô cùng cần thiết.

1. Nguyên nhân khiến trẻ sặc sữa 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sặc sữa như: tư thế bú, lượng sữa, do một số vấn đề bệnh lý,…

1.1 Do đường thở của trẻ chưa hoàn thiện. 

Khi sinh ra, trẻ tập làm quen với môi trường mới, các cơ quan đường thở của trẻ: mũi, họng,..phải làm quen, thích nghi và dần hoàn thiện. Việc ăn sữa làm cho cổ họng và mũi cùng lúc hoạt động, cơ họng cần phải đóng kín để ngăn sữa vào đường hô hấp nhưng do cơ này chưa phát triển hoàn chỉnh và trẻ chưa có nhiều thời gian để làm quen với môi trường sống mới, đồng thời do cơ miệng và họng chưa phát triển nên trẻ không nuốt kịp lượng sữa được cung cấp dẫn đến việc thời gian đầu trẻ có thể bị sặc sữa lên mũi. 

1.2 Do trẻ chưa kiểm soát được lượng sữa.

Khi trẻ bú mẹ hoặc bú bình, do sữa quá nhiều, trẻ chưa biết cách “xử lý” cơ họng và mũi không kịp đóng khiến trẻ nuốt không kịp làm sặc sữa lên mũi. Trong những ngày đầu trẻ nuốt sữa và thở một cách ngẫu nhiên cùng lúc, điều này là nguyên nhân khiến trẻ sặc sữa. 

1.3 Do trẻ bú sai tư thế. 

Đối với trẻ bú mẹ hoặc bú bình, tư thế bú của trẻ cũng rất quan trọng. Với trẻ bú mẹ, nếu bú sai tư thế khiến trẻ không nhận được nhiều lượng sữa, bú sai khớp ngậm khiến trẻ nuốt phải lượng không khí nhiều hơn lượng sữa. Đồng thời, trẻ bú sai tư thế, có thể làm cho sữa chảy vào đường mũi khiến trẻ sặc sữa. 

trẻ bú sai tư thế | special kid

Cho trẻ bú sai tư thế là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sặc sữa.

1.4 Do bị trào ngược dạ dày

Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh, bởi khi mới sinh ra, dạ dày của trẻ thường chưa ổn định và nằm ngang. Điều này khiến sữa dễ bị trào ngược lên thực quản làm trẻ nôn, trớ và sặc sữa khi mới ăn xong hoặc ăn quá no.

1.5 Do trẻ bị viêm đường hô hấp 

Hệ hô hấp và sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn rất non, yếu nên trẻ dễ bị nghẹt mũi, ho, khò khè,... khi môi trường, thời tiết thay đổi. …Với những trẻ bị vấn đề về hô hấp thường dễ bị sặc sữa bởi lúc đó mũi và họng của trẻ có dịch nhầy, việc hô hấp sẽ khó khăn hơn, do vừa phải thở bằng miệng, vừa phải bú mẹ khiến trẻ dễ bị sặc sữa. 

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa 

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh nên chú ý đến một số dấu hiệu điển hình của trẻ khi bị sặc sữa như: 

  • Sau khi bú, trẻ nôn, trớ và sữa trào ra miệng, mũi.
  • Trẻ ho sặc sụa hoặc nghẹn khi bú
  • Trẻ khò khè, khó thở hoặc thở rít sau khi nôn, trớ sữa.
  • Trẻ bú yếu hơn bình thường. 
  • Trẻ thở nhanh, thở rút hoặc ngừng thở đột ngột.
  • Trẻ vặn người, khó chịu khi bú.
  • Sau khi trẻ bú có biểu hiện nôn, trớ hoặc da tím tái. 

3. Các bước xử lý trẻ sặc sữa 

Khi gặp tình huống trẻ sặc sữa, cha mẹ nên bình tĩnh để tìm cách xử lý kịp thời đảm bảo an toàn cho trẻ. Mẹ có thể thực hiện xử lý trẻ sặc sữa theo các bước sau:

  • Bước 1: Bế trẻ trên tư thế thẳng đứng để sữa chảy ra ngoài.
  • Bước 2: Lau sạch sữa ở miệng và cơ thể của trẻ. Dùng nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi để vệ sinh sạch sữa có trong mũi trẻ.
  • Bước 3: Đối với những trẻ bị sặc sữa kèm dấu hiệu khó thở. Cha mẹ giữ cằm tre, đặt bàn tay áp vào ngực trẻ rồi cho trẻ nằm úp xuống sao cho cẳng tay xuôi theo đùi, còn chân trẻ duỗi ra để tạo điểm tỳ chắc chắn và thực hiện động tác vỗ lưng cho trẻ.
  • Bước 4: Sau khi vỗ lưng cho trẻ, kiểm tra xem trẻ đã thở được chưa. Nếu trẻ chưa thở được, tiếp tục vỗ (chú ý động tác phải dứt khoát)
  • Bước 5: Nếu vẫn chưa thở lại bình thường thì cha mẹ dùng 2 ngón tay ấn vào giữa 2 xương khu vực giữa ngực trẻ thật dứt khoát. Trong trường hợp đã dùng mọi cách nhưng trẻ vẫn khó thở kèm tím tái thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.

Sơ cứu trẻ sặc sữa | special kid

Sơ cứu sặc sữa cho trẻ kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

4. Cách phòng ngừa sặc sữa ở trẻ.

Sặc sữa ở trẻ có thể phòng ngừa và giảm thiểu được nếu cha mẹ tìm hiểu và thực hiện một số biện pháp như:

4.1 Cho trẻ bú đúng tư thế 

Tư thế khi bú mẹ rất quan trọng đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Khi cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình hãy lưu ý một số điều sau:

  • Cho trẻ bú ở tư thế đầu và chân trẻ song song trên cùng đường thẳng. 
  • Mặt của trẻ quay vào ngực mẹ, đảm bảo phần mũi hướng đối diện núm vú để trẻ thở được. 
  • Bế trẻ trên tư thế thoải mái khi bú. 
  • Đối với trẻ bú bình khi bế trẻ nên bế phần đầu hơi chếch lên cao hoặc cho trẻ nằm ăn trong gối chống trào. 
  • Tư thế bú đúng, giúp sữa xuống dạ dày dễ dàng hơn, trẻ ngậm đúng khớp ngậm và động tác nuốt dứt khoát giúp hạn chế bị sặc sữa. 

4.2 Vệ sinh đường hô hấp cho trẻ.

Vệ sinh mũi, miệng cho trẻ mỗi ngày không những giúp loại bỏ cặn sữa cho trẻ mà còn giúp đường hô hấp của trẻ sạch sẽ, thông thoáng tránh ảnh hưởng đường thở của trẻ. 

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên chú ý đến một số vấn đề khác nhằm hạn chế tình trạng sặc sữa của trẻ như:

  • Lựa chọn núm vú phù hợp với trẻ.
  • Khi trẻ bú mẹ cần chú ý đến tốc độ ăn của trẻ.
  • Kiểm soát lượng sữa ăn của trẻ. Khi sữa mẹ quá nhiều, trẻ không nuốt kịp mẹ nên dùng hai ngón tay kẹp đầu ti để kiểm soát lượng sữa cho trẻ. 
  • Chia nhỏ cữ ăn cho trẻ tránh trẻ ăn quá nhiều, quá no.
  • Hạn chế cho trẻ ăn khi trẻ quấy khóc, khi trẻ ngủ hoặc trẻ chơi.

Trẻ bị sặc sữa khiến cha mẹ lúng túng và lo lắng. Vì vậy, cha mẹ nên chủ động trang bị kiến thức để hiểu rõ thêm các thông tin về vấn đề sặc sữa ở trẻ để có cách xử lý đúng cách và an toàn. 

Nếu cần bất cứ sự hỗ trợ nào liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ 0944 925 915 để được tư vấn từ đội ngũ chuyên gia của Special Kid. 

Xem thêm thông tin tại:

Fanpage:  https://www.facebook.com/specialkid.vn

Youtube:  https://www.youtube.com/@specialkidvietnam

                                                                                                        Nguồn: Tổng hợp

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi