Mẹ phải làm sao khi trẻ bị viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đây là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ nhỏ và gây ra nhiều khó chịu cho bé. Vậy mẹ cần làm gì để giúp con hết khó chịu, nhanh khỏi bệnh giảm bớt các nguy cơ biến chứng của bệnh có thể xảy ra? Theo dõi bài viết dưới đây cùng Special Kid.
Mẹ biết gì về viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa (trước đây được gọi là chàm thể tạng) là bệnh da viêm da mạn tính, ngứa, hay tái phát, có tăng IgE, thường gặp ở người có tiền sử gia đình hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và có thể tồn tại suốt đời.
Bệnh thường khởi phát sớm ở trẻ nhỏ. Ở trẻ em có tỉ lệ gặp viêm da cơ địa (VDCĐ) khoảng 15-30%, bệnh có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Trong đó 45% trẻ em bị VDCĐ trong 6 tháng đầu đời, 60% trong những năm đầu tiên và 85% trước 5 tuổi.
Khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa cũng có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con đẻ ra có đến 80% cũng bị mắc. Đã xác định được một số gen liên quan đến bệnh viêm da cơ địa, trong đó quan trọng nhất là đột biến gen filaggrin- gen mã hóa cho protein có vai trò liên kết các sợi keratin thượng bì, dẫn đến tổn thương hàng rào bảo vệ da.
Viêm da cơ địa có quá trình tiến triển lâm sàng qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đỏ da: đặc trưng bởi 1 số triệu chứng điển hình như ngứa nhiều, ban đỏ rải rác và phù lớp thượng bì.
- Giai đoạn hình thành các bọng nước.
- Giai đoạn rỉ nước và bội nhiễm gây ra tổn thương chốc lở.
- Giai đoạn đóng vẩy: tiến triển lâu dài và hình thành mảng liken hóa.
Ở trẻ trong 3 tháng đầu đời thường có biểu hiện ngứa ở mặt thành mảng hoặc toàn thân. Tình trạng da khô, ban đỏ và mụn nước sẽ xuất hiện ở khu vực cổ của trẻ. Trong trường hợp muộn hơn, tổn thương có thể xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối. Khi trẻ ngứa và gãi là cơ hội cho vi khuẩn khác xâm nhập, nhất là khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).
Làm thế nào để nhận biết viêm da cơ địa ở trẻ?
Để chẩn đoán xác định, có thể dựa vào 4 tiêu chuẩn chính của Hanifin và Rajka:
- Tiêu chuẩn chính:
- Ngứa
- Hình thái và vị trí tổn thương điển hình:
+/ Lichen hóa ở các nếp gấp trẻ em hoặc thành dải ở người lớn
+/ Mụn nước tập trung thành đám ở mặt và mặt duỗi các chi ở trẻ em và trẻ sơ sinh
- Tổn thương viêm da mạn tính hoặc tái phát
- Tiền sử cá nhân hay gia đình có mắc các bệnh dị ứng
- Tiêu chuẩn phụ: có đến 23 tiêu chuẩn như: Tiền sử có bệnh lý da ở các nếp lằn da; Có tiền sử bị bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng; Khô da trong thời gian trước đó; Có tổn thương chàm hóa ở các nếp gấp; Bệnh bắt đầu khi trẻ dưới 2 tuổi....
Để chẩn đoán xác định cần phải có từ trên 3 tiêu chuẩn chính kết hợp với từ 3 tiêu chuẩn phụ.
Cách phòng và điều trị bệnh viêm da cơ địa cho bé mẹ cần biết?
Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ
Khi trẻ xuất hiện tình trạng viêm da cơ địa, việc sử dụng bất kỳ thuốc gì cũng cần có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa cho bé bao gồm: thuốc chống viêm (corticoid tại chỗ, pimecrolimus, tacrolimus), thuốc chống bội nhiễm (dung dịch sát trùng triclosan, chlorhexidine, acid fusidic, mupirocin,...), thuốc trị khô da (các loại không chứa cồn, phẩm nhuộm, chất tạo mùi,...), thuốc giảm ngứa (kháng histamin H1), ngoài ra ở thể nặng có thể dùng corticoid toàn thân hoặc cyclosporin A đường uống.
Các biện pháp phòng bệnh cho trẻ
Để dự phòng viêm da cơ địa cho trẻ phụ huynh cần thực hiện một số điều sau:
- Duy trì sữa tắm dưỡng ẩm, kem dưỡng ẩm, tăng cường bôi kem dưỡng ẩm khi thời tiết hanh khô, ít nhất 2-3 lần mỗi ngày.
- Tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, nhiệt độ dưới 36 độ C, ngay sau khi tắm xong bôi thuốc ẩm da, dưỡng da.
- Lên danh sách các sản phẩm, dị nguyên thường gây bệnh để phòng tránh việc trẻ tiếp xúc với những thứ trên.
- Theo dõi các biểu hiện ở trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng dị ứng kèm theo hen, viêm mũi dị ứng, nhiễm khuẩn răng, tai-mũi-họng để điều trị sớm, tránh để nặng thêm.
Viêm da cơ địa không quá đáng sợ khi ba mẹ đã hiểu rõ và nắm được các thông tin quan trọng trong quá trình chăm sóc con nhỏ. Hy vọng với những thông tin tham khảo trên đây sẽ hỗ trợ thêm cho ba mẹ!
** Bài viết được tham khảo từ Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu theo số 4416/QĐ-BYT năm 2023