Câu truyện cổ tích về Tết dành cho bé

Câu truyện cổ tích về Tết dành cho bé

Truyện cổ tích về ngày Tết không chỉ mang tới cho bé những bài học có giá trị nhân văn để phát triển tư duy mà còn giúp con biết trân quý phong tục tập quán của dân tộc. Trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc khuyến khích bé tham gia các hoạt động cùng gia đình, bố mẹ cũng nên kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích. Special Kid sẽ gợi ý những câu chuyện cổ tích hay bố mẹ có thể kể cho bé nghe trong dịp Tết này.

 

Xem thêm: Tăng đề kháng cho trẻ trong dịp Tết

 

Câu truyện 1: Sự tích bánh chưng bánh dày

Sự tích bánh chưng bánh dày ngày Tết | Special Kid

Truyện cổ tích bánh chưng bánh dày

Sự tích bánh chưng bánh dày giải thích nguồn gốc ra đời của bánh chưng và bánh dày. Bên cạnh đó, truyện đề cao giá trị nghề nông, phản ánh nền văn minh lúa nước của dân tộc. Sự tích bánh chưng bánh dày còn dạy cho trẻ biết thể hiện lòng thành, sự biết ơn với thế hệ đi trước. Cùng kể cho bé nghe nội dung câu chuyện bánh chưng bánh dày nhé.

“Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầy Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dày để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.”

 

Xem thêm: Top 10 trò chơi ngày Tết cho trẻ

 

Câu truyện 2: Sự tích cây nêu ngày Tết

Sự tích cây nêu ngày Tết | Special Kid

Cây nêu là một nét văn hoá đặc trưng trong ngày Tết Việt Nam

Sự tích cây nêu ngày Tết cũng rất phù hợp để kể chuyện ngày Tết cho bé, giải thích phong tục ngày Tết của dân tộc ta. Câu chuyện được kể như sau

“Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.

Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.

Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.

Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.

Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.

Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi dịp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.”

Câu truyện 3: Sự tích hoa đào

truyện cổ tích hoa đào ngày Tết | Special Kid

Hoa đào là một trong những loài hoa quen thuộc mỗi dịp Tết

Tết đến, gia đình nào cũng sắm cây đào để trang trí nhà cửa bởi vẻ đẹp đầy sức xuân. Bên cạnh việc trang trí, hoa đào còn mang ý nghĩa lớn, thể hiện phong tục tập quán của dân tộc. Cha mẹ có thể kể sự tích hoa đào cho bé nghe để con hiểu hơn nhé!

Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng.

Có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái.

Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa.

Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.

Trên đây là những câu truyện cổ tích hay và ý nghĩa giúp bé hiểu hơn về ngày Tết truyền thống của Việt Nam. Chúc các bé và gia đình có một năm mới An lành – Hạnh phúc – Sức khoẻ dồi dào.

Special Kid vẫn luôn đồng hành cùng Bố mẹ trên chặng đường chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ. Mọi thắc mắc cần được giải đáp về sức khỏe của trẻ vui lòng liên hệ Hot lien 0944925915 để nhận tư vấn từ chuyên gia của nhãn hàng.

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi