5 trò chơi phát triển não bộ cho sơ sinh
Não bộ của trẻ phát triển mạnh trong những năm đầu đời. Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, trong giai đoạn này cha mẹ cũng nên chú ý đến việc tương tác với trẻ để các giác quan được phát triển tốt nhất.
Một trong những cách “đánh thức” các giác quan cho trẻ trong giai đoạn từ 0 – 6 tháng tuổi chính là cùng trẻ tham gia các trò chơi đơn giản và khoa học. Special Kid sẽ gợi ý những trò chơi hỗ trợ phát triển não bộ cho trẻ theo từng giai đoạn trong bài viết này.
Trò chơi trong giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi
Với trẻ trong giai đoạn 0 -3 tuổi cha, mẹ nên hướng dẫn trẻ chơi những trò chơi tăng khả năng nhận thức, tư duy, khả năng phát triển và kiểm soát cơ thể. Những trò chơi cha, mẹ có thể tham khảo và cùng chơi với trẻ:
Trò chơi: Nhìn đồ chơi
Nhìn đồ chơi giúp trẻ cảm nhận được thế giới mới, với trò chơi này trẻ sẽ cố gắng vươn đầu hoặc chuyển động đầu đề nhìn từ đó giúp cho vùng đầu, cổ của trẻ được luyện tập mỗi ngày, lâu dần sẽ giữ được trọng lượng của phần đầu.
Khi chơi trò này cha, mẹ nên ngồi đối diện và cười vớ trẻ, cho trẻ nhìn những đồ chơi có màu sắc sặc sỡ có hình dạng rõ ràng. Thực hiện trò chơi mỗi ngày 2 – 3 lần mỗi lần khoảng 15 – 20 giây. Không nên di chuyển đồ chơi quá mạnh, cần làm chậm để trẻ từ từ nhìn theo, liên tục thay đổi đồ chơi để tạo sự mới lạ, tạo hứng thú cho trẻ khi chơi.
Trò chơi: Ú oà
Trò chơi này giúp rèn luyện trí nhớ ban đầu và nâng cao khả năng chú ý của trẻ.Đồng thời nó cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và khả năng tư duy cho trẻ, giúp trẻ trải nghiệm được sự tồn tại lâu bền và thường trực của sự vật.
Cha, mẹ có thể dùng tay hoặc khăn để che mặt trong 15 giây sau đó để lộ mặt và tương tác với bé bằng lời nói kết hợp hành động.
Trò chơi này giúp bé phát triển khả năng quan sát, tư duy ghi nhớ. Tuy nhiên, không nên che mặt quá lâu hoặc làm thao tác quá nhanh sẽ khiến bé cảm thấy khó hiểu hoặc hoảng sợ
Trò chơi: Cười đùa
Theo nghiên cứu, trẻ học cười đùa càng sớm thì càng thông minh. Trò chơi này có thể giúp trẻ hình thành tính cách lạc quan và thúc đẩy trí não phát triển.
Mẹ bế trẻ, xoa nhẹ cơ thể trẻ, vuốt nhẹ khuôn mặt trẻ, dùng giọng nói và động tác vui vẻ để truyền cảm hứng cho trẻ. Bố mẹ thường xuyên chơi đùa cùng trẻ, làm mặt xấu để trẻ cười thành tiếng.
Kể từ ngày đầu tiên khi trẻ chào đời, các bà mẹ đã có thể trêu đùa trẻ. Có trẻ sau khi chào đời khoảng 20 ngày đã có thể chơi trò chơi này, thường sau khi đầy tháng trẻ đã có thể phát ra tiếng, có trẻ cá biệt thì chậm hơn một chút. Trẻ thường xuyên có người trêu đùa và được sống trong không khí vui vẻ sẽ biết cười sớm hơn. Trẻ hay cười sẽ dễ kết bạn và được mọi người yêu quý, trẻ sẽ hạnh phúc hơn trong cuộc sống sau này.
Không nên trêu đùa trẻ quá mức, vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Bởi vì lúc này trẻ thiếu ý thức tự kiểm soát bản thân, nếu trẻ bị trêu đùa cười không dứt rất có thể sẽ bị ngạt thở, thiếu khí, gây ra xuất huyết não tạm thời, tổn hại đến chức năng não, có thể sẽ gây ra chứng nói lắp. Đồng thời, khi trẻ há miệng quá to để cười sẽ dễ bị sái khớp hàm dưới. Ngoài ra, không nên trêu trẻ cười trước khi đi ngủ vì sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Trò chơi: Phát âm và bắt chước
Khuyến khích trẻ phát âm và học được cách dùng âm thanh để hưởng ứng với người khác, tạo nền tảng cho việc tập nói sau này. Đồng thời có thể thúc đẩy trẻ hiểu được ngôn ngữ, gia tăng giao lưu tình cảm. Thêm vào đó bố mẹ phải kịp thời trả lời trẻ, để trẻ có cảm giác tin tưởng bố mẹ, sau này trẻ mới có thể tin tưởng được người khác.
Khi trẻ khóc, các bà mẹ cũng nên dùng âm thanh tương tự để phản hồi lại, trẻ sẽ nhanh chóng nín khóc. Trẻ sẽ lắng nghe xem rốt cục là mình khóc hay người khác đang khóc. Một lát sau, trẻ sẽ lại khóc lên vài tiếng để chứng thực xem có phải tiếng của mình không, lúc này sẽ xuất hiện phát âm ngoài tiếng khóc.
Lúc này bố mẹ phải kịp thời nói chuyện với trẻ, đặc biệt là khi thay tã lót, tắm, cho bú sữa, để khơi dậy cảm hứng và khả năng bắt chước của trẻ. Thông thường lúc này trẻ sẽ khóc quấy, mẹ có thể vừa xoa nhẹ bụng trẻ, vừa nói chuyện an ủi trẻ, như vậy trẻ sẽ nhanh chóng yên lặng trở lại.
Trò chơi: Soi gương
Soi gương giúp rèn luyện khả năng tự ý thức bản thân của trẻ, cho trẻ nhận thức được hình ảnh của mình trong gương, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú. Trò chơi này cũng giúp trẻ tăng khả năng cảm nhận, tạo ra cho trẻ hứng thú khám phá, tìm tòi thế giới bên ngoài.
Mẹ bế trẻ và đặt lên trên đùi, để cho trẻ soi gương một lát, sau đó cất gương đi. Cho trẻ soi thêm một lát rồi lại cất đi, làm như vậy nhiều lần, mỗi khi trẻ soi gương đều nói với trẻ rằng: “Nhìn đi con! Người trong gương là ai thế? A, hóa ra là bé con của mẹ đang ở trong gương đấy.”
Cha mẹ chú ý rằng gương phải được treo chắc chắn trên tường để tránh không xảy ra tình trạng gương đổ vào người trẻ. Không nên sử dụng gương nứt vỡ, để tránh gây tổn thương cho trẻ.
Cùng trẻ chơi những trò chơi trong giai đoạn từ 0 – 3 tháng tuổi không chỉ giúp trẻ phát triển về mặt trí tuệ mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa cha, mẹ và trẻ nhiều hơn. Hi vọng thông qua những trò chơi Special Kid đã gợi ý, cha mẹ sẽ có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc bên con yêu.