5 kỹ năng sống quan trọng mẹ nên dạy cho bé
Cha mẹ nào cũng luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình từ miếng ăn đến giấc ngủ, muốn con mình khỏe mạnh, lớn khôn cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh bảo bọc con quá kỹ, khiến trẻ không thích nghi được với môi trường xung quanh và bối rối trước cuộc sống tự lập.
Ngoài những kiến thức được dạy trên trường lớp, bố mẹ cũng nên trang bị cho con những kỹ năng sống cơ bản để trẻ hoàn thiện hơn. Chính những kỹ năng được rèn giũa từ sớm sẽ là nền tảng giúp trẻ sống tự lập ngay từ bậc học mầm non. Đặc biệt, 5-6 tuổi là thời điểm trẻ tò mò với mọi thứ, thích khám phá xung quanh và không biết làm thế nào để đề phòng với các mối nguy hiểm đe dọa bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Dưới đây sẽ là 5 kỹ năng sống quan trọng mà mẹ nên dạy cho bé để bé có thể xử lý các tình huống và tự bảo vệ được bản thân.
1. Dạy bé cách xử lý khi bị người lạ làm phiền, dụ dỗ
Bên cạnh việc nói cho bé biết các mối nguy hiểm có thể xảy ra khi tiếp xúc với người lạ, mẹ cần đưa ra cho bé những tình huống thực tế như: Khi ở nhà một mình thì không được mở cửa cho bất kỳ ai trừ bố mẹ, ông bà, người thân hay cách tự bảo vệ bản thân tránh bị bắt cóc hoặc xâm hại. Mẹ cũng cần hướng dẫn bé cách phòng tránh, phản kháng lại như: Hét to, khóc lóc, tạo tiếng ồn, tiếng động lớn để gây sự chú ý cho những người xung quanh thấy bất thường và giúp đỡ mình thoát khỏi người xấu.
Mẹ cũng cần giải thích cho bé tại sao phải đề phòng người lạ. Ví dụ như nếu bé nghe lời, đi theo hoặc ăn đồ ăn mà người lạ cho sẽ bị bắt cóc, bị làm đau,… Đặc biệt với trẻ nhỏ rất thích được cho quà bánh, đồ ăn nên mẹ phải dạy bé không được đi theo, nhận quà của bất kỳ ai ngoài bố mẹ, người thân trong gia đình.
2. Dạy bé cách tránh bị xâm hại
Ý thức tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là bảo vệ bản thân trước xâm hại tình dục là cực kỳ quan trọng với trẻ nhỏ. Mẹ cần giải thích và nhắc nhở thường xuyên để bé luôn nhớ bộ phận sinh dục là nơi tuyệt đối không được cho ai đụng vào. Ngay cả bố mẹ, ông bà nếu muốn kiểm tra, động chạm cũng cần có sự đồng ý của bé.
Đối với bé gái, hạn chế cho mặc trang phục hở hang, váy quá ngắn nơi công cộng. Chỉ cho bé biết những hành vi xấu như: sờ mó, ôm hôn quá chặt, chạm vào cơ thể làm bé đau và sợ…, bé phải báo ngay cho bố mẹ, thấy cô nếu gặp những tình huống trên.
3. Dạy trẻ cách đi đường an toàn
Rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng không cần dạy cho bé nếu bé chưa gặp phải trường hợp đó. Đương nhiên là sẽ không có bố mẹ Việt nào để một đứa trẻ tự đi một mình, nhưng ai đảm bảo được bạn sẽ luôn giữ bé bên mình được mọi lúc mợi nơi. Bố mẹ bắt buộc phải dạy cho trẻ cách đi đúng luật giao thông, nhận biết đèn tín hiệu… để trẻ nắm rõ và biết cách xử lý nếu lỡ gặp phải trường hợp trên.
4. Kỹ năng sơ cứu vết thương
Đây là độ tuổi thuận lợi để dạy cho trẻ cách tìm sự giúp đỡ, vị trí có thể giúp cơ thể hồi sức, đối phó với bỏng nhẹ, chảy máu, ngất xỉu và nghẹt thở. Kỹ năng sơ cứu vết thương không chỉ là vấn đề sống còn, nó còn giúp trẻ nhận biết được các mối nguy hiểm và cách tìm kiếm sự giúp đỡ trong những trường hợp khẩn cấp. Việc này khá quan trọng đối với trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường cũng như ngoài xã hội. Trẻ nắm chắc được kỹ năng này chắc chắn sẽ tự hào vì có thể sử dụng chúng trong tương lai.
5. Kỹ năng bơi lội
Bơi lội không những là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe rất tốt mà nó còn là chiếc chìa khóa đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Việc biết bơi sẽ giúp trẻ tránh được những nguy hiểm liên quan đến nước cả khi ở dưới nước và xung quanh khu vực có nước. Trẻ được học bơi càng sớm thì càng có thể bơi lội thành thạo nhanh chóng. Bố mẹ cũng nên xây dựng thói quen cùng con đi bơi thường xuyên để rèn luyện sức khỏe
Kỹ năng sống là điều mà rất nhiều người trẻ Việt Nam đang rất thiếu hiện nay. Bởi vậy dạy kỹ năng sống cho trẻ em – độ tuổi chưa biết nhiều về cuộc sống nhưng lại tiếp thu rất nhanh là điều rất cần thiết. Nó giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho trẻ để bước vào cuộc sống một cách vững vàng nhất. Những kỹ năng đã đề cập ở trên là những kỹ năng tiêu biểu mà các cha mẹ có thể ưu tiên dạy con trước. Ngoài ra tùy thuộc vào tính cách cũng như điều kiện gia đình và môi trường xung quanh mà bạn hãy dạy con những kỹ năng khác một cách phù hợp nhé. Nếu có bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn nhé. Để tìm hiểu về sản phẩm của chúng tôi vui lòng truy cập tại đây.