Trẻ nhiễm lạnh “oan” do sai lầm của bố mẹ

Theo các bác sĩ Nhi khoa, thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm trong không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Yếu tố này kết hợp với hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khiến trẻ dễ mắc bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, có nhiều trẻ bị nhiễm lạnh “oan” do sai lầm của bố mẹ.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, vào mùa Thu – Đông, không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, từ đó làm giảm sức đề kháng của cơ thể, giúp một số mầm bệnh dễ xâm nhập. Do đó, nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm, nhất là đối với những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Theo ước tính, có khoảng hơn 100 loại virus gây bệnh cảm lạnh. Khi bị bệnh, trẻ thường có những triệu chứng ở đường hô hấp mức độ nhẹ hoặc trung bình như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi; một số bệnh nhân có thể bị ho khan hoặc cơ thể mệt mỏi. Hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng ngừa cảm lạnh. Vì vậy, cần tăng cường sức đề kháng còn yếu cho trẻ để bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh.

 Tuy nhiên, bên cạnh sức đề kháng yếu, nhiều trẻ nhỏ còn bị nhiễm lạnh “oan” do sai lầm của bố mẹ. Chẳng hạn, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều bố mẹ vì quá lo lắng bị mất nhiệt nên thường mặc quần áo dày cho trẻ, thậm chí với những trẻ sơ sinh, phụ huynh còn quấn kèm vài lớp chăn để giữ ấm. Tuy nhiên, đây là việc làm có thể gây hại cho trẻ. Bởi lẽ, khi ủ ấm quá kỹ, trẻ nhỏ sẽ bị nóng, sinh ra hiện tượng toát mồ hôi. Lúc đó, do lớp quần áo quá dày bên ngoài vô tình tạo thành “hàng rào” ngăn mồ hôi thoát ra ngoài, chúng sẽ thấm vào quần áo và gây lạnh ngược lại cho trẻ, nếu bố mẹ không kịp thời phát hiện và lau khô.

 Bên cạnh đó, không tắm mà chỉ thay quần áo cho trẻ trong mùa lạnh cũng là một quan điểm sai lầm. Việc thay quần áo bên ngoài mà không lau rửa người, nhất là những bộ phận dễ tích tụ vi khuẩn như khuỷu tay, nách, cổ, bẹn… sẽ gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ, đồng thời khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Về vấn đề này, ThS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi nhiệt độ xuống thấp, phụ huynh phải tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, tránh nơi gió lùa và phải lau khô, giữ ấm cơ thể cho trẻ sau khi tắm.

👉 Ngoài ra, BS Đỗ Thiện Hải cũng lưu ý, khi tắm cho trẻ, phụ huynh không nên cởi toàn bộ quần áo của con ra, nên tắm từng bộ phận, tắm đến đâu cởi đến đó. Tốt nhất nên tắm từ dưới lên trên, tức là lau rửa chân tay sạch sẽ, lên bụng, ngực rồi mới đến phần đầu. Thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút, không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2 – 3 lần, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.

← Bài trước Bài sau →
Bài viết liên quan

Gửi thắc mắc cho chúng tôi