HỆ MIỄN DỊCH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỆ MIỄN DỊCH? (Phần 1)

HỆ MIỄN DỊCH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỆ MIỄN DỊCH? (Phần 1)

Chúng ta thường nghe thấy những khái niệm như tăng cường hệ miễn dịch hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Nhưng hệ miễn dịch là gì và nó có liên quan gì tới sức khỏe con người? Bài viết hôm nay sẽ đưa đến cho bạn cái nhìn rõ nét nhất về hệ thống phòng thủ này của cơ thể.

1. Hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch -“Immune System” là một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng liên kết với nhau theo những cơ chế riêng giúp bảo vệ con người trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Khi hoạt động hiệu quả, hệ miễn dịch giúp cơ thể tìm kiếm, phát hiện các mối đe dọa. Tuy nhiên, các thành phần cũng như cơ chế hoạt động của hệ thống phòng thủ này khá phức tạp, đôi khi nó cũng hoạt động sai lệch.

Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu, bao gồm hai loại cơ bản kết hợp với nhau để tìm kiếm và tiêu diệt các sinh vật truyền nhiễm – “những kẻ xâm lược” có hại cho sức khỏe. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch.

Để hoạt động bình thường, hệ thống miễn dịch phải phát hiện được rất nhiều yếu tố, gọi là mầm bệnh, có thể là từ virus đến ký sinh trùng, và phải phân biệt chúng với những mô khỏe mạnh của cơ thể. Ở nhiều loài, hệ thống miễn dịch có thể được phân thành các hệ thống nhỏ hơn, như hệ thống miễn dịch bẩm sinh với hệ thống miễn dịch thu được, hoặc miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào.

Hệ miễn dịch khỏe mạnh không chỉ giúp trẻ phát triển tối ưu trong những năm tháng đầu đời mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe của trẻ.

2. Suy giảm hệ miễn dịch có nguy hiểm không?

Suy giảm hệ miễn dịch đang trở thành mối quan tâm của y tế toàn cầu bởi nó đe dọa sức khỏe, tính mạng con người. Hệ lụy của sự suy giảm miễn dịch thể hiện rõ nhất ở nguy cơ mắc bệnh cao, thời gian phục hồi lâu, xác định nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch không dễ và các biện pháp điều trị chỉ là hỗ trợ.

Suy giảm miễn dịch là tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các kháng nguyên thấp dưới mức bình thường, gây ra các biểu hiện bệnh lý cho cơ thể . Suy giảm miễn dịch khiến cho cơ thể không thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, đây là loại rối loạn giúp các virus và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Suy giảm miễn dịch bẩm sinh xuất hiện khi bạn ra đời. Suy giảm miễn dịch mắc là loại rối loạn mà bạn mắc phải sau này và phổ biến hơn rối loạn bẩm sinh.

– Suy giảm miễn dịch bẩm sinh (nguyên phát) là tình trạng suy giảm miễn dịch biểu hiện ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra, do các tế bào miễn dịch không phát triển đầy đủ, bệnh thường liên quan đến các tổn thương về gene. 

– Suy giảm miễn dịch mắc phải (thứ phát) là tình trạng suy giảm hệ miễn dịch xảy ra ở một cá thể hoàn toàn bình thường về đáp ứng miễn dịch lúc sinh ra, nhưng trong cuộc sống sau đó bị suy giảm miễn dịch do một tác nhân bên ngoài tác động vào. Tình trạng này có thể được phục hồi nếu tình trạng bệnh hoặc nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch được giải quyết triệt để.

Hệ miễn dịch và những điều cần biết về hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể con người tự chữa lành những vết thương và chống lại những nguy cơ gây bệnh. Vì vậy khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ gây rối loạn cả một hệ thống “phòng ngự” của cơ thể như: không sản xuất đủ kháng thể; không có khả năng tự bảo vệ khỏi vi khuẩn, virus; không phát hiện được những tế bào lạ như tế bào u bướu để tiêu diệt. Không dừng lại ở đó, cấu tạo của những tế bào u bướu rất tinh vi. Nếu bạn có một hệ miễn dịch yếu thì việc phát hiện những tế bào u bướu này khó càng thêm khó

Trong một số trường hợp, suy giảm miễn dịch có thể được di truyền, ví dụ trong bệnh u hạt mạn tính, nơi thực bào không hoạt động đúng.

3. Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch?

Suy giảm miễn dịch có thể do các nguyên nhân sau:

  • Suy giảm miễn dịch do di truyền.
  • Suy giảm miễn dịch do bệnh HIV/AIDS –là sự nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV: human immuno-deficiency virus), suy dinh dưỡng (đặc biệt là những người không ăn đủ chất đạm).
  • Nhiều bệnh ung thư có thể gây suy giảm miễn dịch.
  • Những người không còn lá lách do phải cắt bỏ thì có nguy cơ cao mắc phải chứng suy giảm miễn dịch và bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn nhất định.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
  • Suy giảm miễn dịch do tuổi càng ngày càng cao, hoặc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có khả năng miễn dịch kém.
  • Sử dụng thuốc (các loại thuốc ức chế phân bào), thuốc gây suy yếu hệ thống miễn dịch (như corticosteroid), các thuốc hóa trị liệu khi điều trị ung thư.
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh.
  • Ngoài ra, người ta còn nói tới vai trò của ô nhiễm môi trường sống và ô nhiễm thực phẩm. Mặc dù, chúng được coi là các tác nhân gián tiếp nhưng lại có khả năng gây ra những đột biến của tế bào miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của cơ thể.

Như vậy, hệ miễn dịch là một hệ thống tự nhiên giúp chống lại các vi sinh vật bên ngoài có thể gây ra bệnh tật và nhiễm trùng cho cơ thể. Hệ miễn dịch là cần thiết cho sự sống còn của mỗi người, giữ cho chúng ta luôn khỏe mạnh. Hy vọng qua bài viết này bạn đã có được cho mình những kiến thức cần thiết, nhận biết được tầm quan trọng của hệ miễn dịch trong cơ thể. Nếu có vướng mắc gì hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn nhé!

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi